Vụ điểm thi "cao bất thường" ở Hà Giang: Ít nhất 98 trường hợp bị can thiệp?
Nguồn báo Dân chí :
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí, việc điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang cao bất thường xảy ra ở một số thí sinh là có sự can thiệp của con người. Có ít nhất 98 trường hợp bị can thiệp làm sai lệch kết quả thực, dung sai bị sửa cao nhất lên đến 8,75 điểm.
Việc điểm thi cao bất thường ở Hà Giang xác định có sự can thiệp của con người trong khâu chấm thi trắc nghiệm. |
Một trong những vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm đó là cách thức “gian lận” này diễn ra như thế nào?
Theo quy định, quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm sẽ được thực hiện theo 4 pha sau:
Pha 1. Quét ảnh
Dùng máy quét ảnh (Scanner) tốc độ cao quét các bài thi theo từng lô đưa vào các thư Mục chứa ảnh.
Pha 2. Đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh)
Xử lý ảnh để đọc các thông tin từ ảnh như số báo danh, mã đề và các phương án trả lời. Sau đó, xuất báo cáo Bộ GDĐT về trạng thái ban đầu của bài làm của thí sinh, chưa sửa lỗi (Đĩa CD1). Chú ý: Sau khi xuất đĩa CD1, nội dung đã xuất này sẽ được giữ nguyên, kể cả trong trường hợp quét thêm dữ liệu thí sinh chưa quét, dữ liệu này vẫn không thay đổi. Dữ liệu quét mới sẽ được thể hiện ở đĩa CD2.
Pha 3. Sửa lỗi của thí sinh
Thực tế thống kê, có Khoảng 1 % thí sinh mắc lỗi như:
- Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được. Trường hợp xấu nhất là một thí sinh có dự thi tô nhầm thành SBD của thí sinh vắng thi.
- Không tô mã đề thi, tô mã đề thi không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề thi nào.
- Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại.
- Có những lỗi do quét bài như để gấp Phiếu TLTN, sai mặt Phiếu, làm Phiếu bị biến dạng.
Những lỗi này (nếu có) sẽ dẫn đến bài thi không chấm được, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh dù rằng có những lỗi do chính thí sinh gây ra. Phần mềm phải phát hiện tất cả các lỗi, cán bộ chấm thi phải sửa hết các lỗi để có thể chấm bài thi tự động. Kết quả sửa phải được lưu lại, cùng với biên bản sửa lỗi để báo cáo Bộ GDĐT.
Pha 4. Chấm bài thi
Sau khi thực hiện xong ba pha trên, Hội đồng thi mới được sử dụng đáp án do Bộ GDĐT cung cấp để chấm điểm. Kết quả chấm và phân tích được xuất ra Đĩa CD2 để báo cáo Bộ GDĐT. Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì Phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4 này.
Nguồn tin của Dân trí cho hay, sau khi scan bài thi của thí sinh thì file ảnh này được chuyển sang định dạng file text trước khi nạp đáp án chấm của Bộ GD-ĐT vào chạy. Việc can thiệp sửa kết quả làm bài của thí sinh diễn ra ở file text này và sửa ngay trên phần mềm chấm thi.
Theo một cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm năm nay, sở dĩ phải chuyển file ảnh từ scan sang file text là để giảm dung lượng file. Việc can thiệp vào file text để chỉnh sửa sẽ ngay lập tức bị phát hiện nếu đối chiếu với file ảnh gốc scan bài của thí sinh.
“Với cách thức gian lận như vậy thì không khó để phục hồi điểm thực của thí sinh bởi phiếu trả lời trắc nghiệm không bị can thiệp trước khi quét. Người vi phạm này thực sự quá liều mới dám làm như vậy”- cán bộ này cho biết.
Nguồn tin của phóng viên Dân trí cũng thông tin, quá trình rà soát xác nhận việc can thiệp vào dữ liệu file text này chỉ liên quan đến một cá nhân. Động cơ và mục đích can thiệp của cá nhân này đang được được tiếp tục làm rõ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Không có nhận xét nào: